Từ xa xưa, việc sử dụng các loại thảo mộc và gia vị đã vô cùng quen thuộc và quan trọng. Nhiều loại gia vị đã được ca ngợi vì các đặc tính chữa bệnh tuyệt vời, trước cả khi được sử dụng trong ẩm thực. Khoa học hiện đại ngày nay đã nghiên cứu và chứng minh được nhiều loại gia vị và thảo mộc thực sự mang lại những lợi ích cho sức khỏe đáng kể. Bài viết này sẽ chỉ ra cho bạn 10 loại thảo mộc và gia vị lành mạnh nhất trên thế giới, và đáng được bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày.
1. Quế: làm giảm lượng đường trong máu, chống tiểu đường mạnh mẽ
Quế là một loại gia vị phổ biến, được tìm thấy trong nhiều công thức nấu ăn và làm bánh. Quế chứa một hợp chất gọi là cinnamaldehyde – “chịu trách nhiệm” chính về các đặc tính y học. Quế có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, giúp chống lại chứng viêm và đã được chứng minh là làm giảm cholesterol và chất béo trung tính trong máu. Nhưng, điểm khiến quế thực sự tỏa sáng là ở tác dụng đối với lượng đường trong máu. Quế có thể làm giảm lượng đường trong máu theo nhiều cơ chế, bao gồm cách làm chậm quá trình phân hủy carbs trong đường tiêu hóa và cải thiện độ nhạy insulin. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quế có thể làm giảm lượng đường trong máu lúc đói từ 10-29% ở bệnh nhân tiểu đường – đây là một con số đáng kể. Liều lượng quế được khuyến nghị sử dụng thường là 0,5-2 thìa cà phê mỗi ngày, hoặc 1-6g.
Xem thêm: Cách làm nước táo quế giúp giữ ấm cơ thể
Xem thêm: Cách làm bánh mì cuộn táo quế (cinnamon roll) bằng Nồi chiên không dầu
2. Lá xô thơm: cải thiện chức năng não và trí nhớ
Lá xô thơm có tên tiếng Anh là “sage” với nguồn gốc từ tiếng Latinh của từ “salvere” – có nghĩa là “để cứu”.Lá xô rất nổi tiếng về đặc tính chữa bệnh trong thời trung cổ và thậm chí còn được sử dụng để giúp ngăn ngừa bệnh dịch hạch. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cây xô thơm có thể cải thiện chức năng não và trí nhớ, đặc biệt là ở những người bị bệnh Alzheimer. Bệnh Alzheimer đi kèm với sự sụt giảm mức độ acetylcholine – một chất truyền tin hóa học trong não. Cây xô thơm ức chế sự phân hủy acetylcholine. Trong một nghiên cứu kéo dài 4 tháng trên 42 người mắc bệnh Alzheimer từ mức độ nhẹ đến trung bình, chiết xuất cây xô thơm đã được chứng minh là tạo ra những cải thiện đáng kể trong chức năng não. Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng cây xô thơm có thể cải thiện trí nhớ ở những người khỏe mạnh, cả người trẻ và người già.
3. Bạc hà: làm giảm hội chứng ruột kích thích (IBS) và giảm buồn nôn
Bạc hà đã được sử dụng từ rất lâu đời trong y học dân gian và các liệu pháp về mùi hương. Cũng giống như nhiều loại thảo mộc, chính thành phần dầu có chứa các tác nhân gây ảnh hưởng tốt đến sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu bạc hà có thể cải thiện việc kiểm soát cơn đau trong hội chứng ruột kích thích (IBS). Dường như, bạc hà hoạt động bằng cách thư giãn các cơ trơn trong ruột kết, giúp giảm đau khi đi tiêu. Nó cũng giúp giảm đầy hơi ở bụng – một triệu chứng tiêu hóa phổ biến.
Xem thêm: Cách làm trà bạc hà dưa hấu trị cảm nắng, say nắng mùa hè
Một số nghiên cứu khác thì chỉ ra rằng mùi bạc hà trong các liệu pháp hương thơm có khả năng giúp chống lại cảm giác buồn nôn. Trong một nghiên cứu trên 1100 phụ nữ đang chuyển dạ, liệu pháp tinh dầu bạc hà đã làm giảm đáng kể cảm giác buồn nôn, đặc biệt là sau khi phẫu thuật hoặc sinh mổ.
4. Củ nghệ: chứa curcumin – một chất có tác dụng chống viêm mạnh mẽ
Nghệ là gia vị tạo cho món cà ri có màu vàng. Nó chứa một số hợp chất có đặc tính y học, trong đó quan trọng nhất là curcumin. Curcumin là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ đáng kể, giúp chống lại các tổn thương do oxy hóa và tăng cường các enzym chống oxy hóa chính của cơ thể. Điều này rất quan trọng, bởi vì tổn thương oxy hóa được cho là một trong những cơ chế chính dẫn đến lão hóa và nhiều bệnh tật. Curcumin cũng chống viêm mạnh mẽ, tương tự với hiệu quả của một số loại thuốc chống viêm.
Xem thêm: Cách làm trà sữa nghệ vàng giúp kháng viêm, thanh lọc cơ thể
Tình trạng viêm ở mức độ thấp trong khoảng thời gian lâu dài là một dấu hiệu của hầu hết các bệnh mãn tính phương Tây. Nên chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chất curcumin có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe. Các nghiên cứu cho thấy rằng curcumin có thể cải thiện chức năng não, chống lại bệnh Alzheimer, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư và giảm viêm khớp.
5. Hương nhu tía: giúp chống lại nhiễm trùng và tăng cường miễn dịch
Không nên nhầm lẫn húng quế (basil) thông thường với hương nhu tía (holy basil) – được coi như một loại thảo mộc thiêng liêng ở Ấn Độ.
Các nghiên cứu cho thấy hương nhu tía có thể ức chế sự phát triển của một loạt vi khuẩn, nấm men và nấm mốc. Một nghiên cứu nhỏ khác cho thấy rằng nó có thể tăng cường chức năng của hệ thống miễn dịch bằng cách tăng một số tế bào miễn dịch trong máu. Hương nhu tía cũng có liên quan đến việc giảm lượng đường trong máu trước và sau bữa ăn, cũng như điều trị chứng lo âu và trầm cảm.
6. Ớt Cayenne: giúp giảm cảm giác thèm ăn và có đặc tính chống ung thư
Ớt Cayenne là một loại ớt được sử dụng để chế biến các món ăn cay. Thành phần hoạt chất trong nó được gọi là capsaicin, đã được chứng minh là làm giảm sự thèm ăn và tăng cường đốt cháy chất béo trong nhiều nghiên cứu. Vì lý do này, nó là một thành phần phổ biến trong nhiều thực phẩm chức năng.
Một nghiên cứu cho thấy rằng thêm 1 gam ớt đỏ vào bữa ăn làm giảm sự thèm ăn và tăng cường đốt cháy chất béo ở những người không thường xuyên ăn ớt. Tuy nhiên, điều này không có tác dụng ở những người quen ăn đồ cay, cho thấy khả năng chịu đựng tác động có thể tăng lên.
Một số nghiên cứu trên động vật cũng đã tìm thấy capsaicin chống lại một số dạng ung thư, bao gồm ung thư phổi, gan và tuyến tiền liệt.
7. Gừng: điều trị buồn nôn và có đặc tính chống viêm
Gừng là một loại gia vị phổ biến được sử dụng trong nhiều dược phẩm. Các nghiên cứu đã liên tục chỉ ra rằng 1g gừng trở lên có thể điều trị thành công chứng buồn nôn, bao gồm buồn nôn do ốm nghén, hóa trị và say sóng. Gừng cũng có đặc tính chống viêm mạnh và giúp kiểm soát cơn đau.
Xem thêm: Cách làm trà gừng mật ong
Một nghiên cứu ở những đối tượng có nguy cơ bị ung thư ruột kết cho thấy rằng 2g chiết xuất gừng mỗi ngày làm giảm các dấu hiệu viêm ruột kết giống như aspirin. Một nghiên cứu khác thì cho thấy hỗn hợp gừng, quế, nhũ hương cùng dầu mè giúp giảm đau và cứng khớp đối với những người bị viêm xương khớp. Bài thuốc này có hiệu quả tương tự như điều trị bằng aspirin hoặc ibuprofen.
8. Cỏ cà ri (fenugreek): cải thiện và kiểm soát lượng đường trong máu
Cỏ cà ri được sử dụng phổ biến ở Ayurveda, đặc biệt là để tăng cường ham muốn tình dục và sự cường tráng. Cỏ cà ri có tác dụng có lợi đối với lượng đường trong máu. Nó chứa protein thực vật 4-hydroxyisoleucine, có thể cải thiện chức năng của hormone insulin. Nhiều nghiên cứu trên con người đã chỉ ra rằng ít nhất 1g chiết xuất cỏ cà ri mỗi ngày có thể làm giảm lượng đường trong máu, đặc biệt là ở bệnh nhân tiểu đường.
9. Hương thảo (rosemary): giúp ngăn ngừa dị ứng và nghẹt mũi
Thành phần hoạt chất chính trong hương thảo được gọi là axit rosmarinic. Chất này đã được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn các phản ứng dị ứng và nghẹt mũi. Trong một nghiên cứu với 29 cá nhân, cả liều 50 và 200mg axit rosmarinic đều được chứng minh là có tác dụng ngăn chặn các triệu chứng dị ứng. Số lượng tế bào miễn dịch trong chất nhầy mũi cũng giảm, khiến giảm nghẹt mũi.
Xem thêm: Cách làm lườn gà nướng hương thảo
10. Tỏi: có thể chống lại bệnh tật và cải thiện sức khỏe tim mạch
Trong suốt thời cổ đại, tỏi được sử dụng như một bài thuốc vì các đặc tính chữa bệnh của nó. Tới bây giờ, chúng ta được biết rằng hầu hết những tác động đến sức khỏe này là do một hợp chất gọi là allicin. Hợp chất này cũng là nguyên nhân tạo ra mùi khác biệt của tỏi. Bổ sung tỏi được biết đến nhiều trong việc chống lại bệnh tật, bao gồm cả cảm lạnh thông thường. Nếu bạn thường xuyên bị cảm lạnh, thì việc bổ sung thêm tỏi vào chế độ ăn uống của bạn sẽ vô cùng hữu ích.
Xem thêm: Lợi ích sức khỏe của tỏi
Ngoài ra, còn có nhiều bằng chứng thuyết phục về tác dụng có lợi đối với sức khỏe tim mạch. Đối với những người có lượng cholesterol cao, việc bổ sung tỏi dường như làm giảm lượng cholesterol toàn phần và LDL khoảng 10-15%.Các nghiên cứu trên người cũng phát hiện ra rằng việc bổ sung tỏi làm giảm huyết áp đáng kể ở những người bị huyết áp cao. Trong một nghiên cứu, tỏi cũng có hiệu quả tương tự như một loại thuốc hạ huyết áp.