Mặc dù ai ai cũng đang lo bổ sung Vitamin C và các loại thuốc bổ trong mùa dịch Coronavirus, nhưng thực tế là cơ thể chúng hấp thụ vitamin, khoáng chất và các dinh dưỡng cần thiết cho sức đề kháng tốt nhất là qua thức ăn. Đến giờ khoa học vẫn chưa xác minh được là thực phẩm chức năng như multivitamin có thực sự được hấp thụ vào cơ thể và có tác dụng cho sức khoẻ đề kháng hay không.
Trong thiên nhiên đã có tất cả những chất chúng ta cần để phòng bệnh và nuôi dưỡng cơ thể, nếu chúng ta biết ăn đầy đủ và đa dạng. Vì vậy lần đi chợ sau, hãy chú ý mua những thực phẩm sau đây để tăng cường sức đề kháng cho cả gia đình một cách tự nhiên và hiệu quả nhất nhé! Chúng ta không thể kiểm soát được việc tiếp xúc với virus hay dịch bệnh, nhưng ăn uống dinh dưỡng và tập tành để tăng sức đề kháng là một cách phòng chống rất quan trọng và tiền đề để tránh bị lây nhiễm, nhất là khi phối hợp cùng với thói quen vệ sinh cá nhân (rửa tay sạch, tránh đưa tay lên mặt, khử trùng thường xuyên các bề mặt…).
1 – Cam, chanh, bưởi, quýt
Như tất cả đều biết, Vitamin C rất cần thiết cho hệ miễn dịch và cũng có thể tăng khả năng sản sinh bạch cầu trong máu để giết các virus, vi khuẩn xâm nhập. Những loại hoa quả dòng “citrus” trên đều rất giàu Vitamin C. Do cơ thể không có khả năng tự sản sinh hoặc tích trữ Vitamin C, nên mỗi ngày bạn cần bổ sung đầy đủ Vitamin C từ cả rau và hoa quả. Một cách tốt để tăng cường Vitamin C là vắt chanh vào nước uống mang đi làm và khi ăn cơm.
2 – Ớt chuông đỏ
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết là trong cùng một trọng lượng, ớt chuông đỏ có hàm lượng Vitamin C cao gấp đôi so với hoa quả citrus (cam chanh bưởi quýt). Ngoài ra ớt chuông đỏ còn giàu chất chống oxy hoá beta carotene, giúp tăng cường đề kháng và chống phá hoại trong tế bào từ tác động môi trường.
3 – Lơ xanh
Lơ xanh là loại rau không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của Chi Anh. Về dinh dưỡng, đây là một loại rau có mật độ dinh dưỡng cao nhất, gồm nhiều vitamin và khoáng chất, trong đó có Vitamin A, C, E và nhiều chất chống oxy hoá rất cần cho sức đề kháng khoẻ mạnh. Để hấp thụ tối đa dinh dưỡng quý giá từ lơ xanh, bạn nên ăn sống (trong salad trộn, rau muối…) hoặc hấp. Đừng ăn luộc hoặc xào nấu nhiệt độ cao, sẽ bị bay hơi và tan đi mất nhiều dinh dưỡng.
4 – Tỏi
Tỏi là gia vị hàng bữa của chúng ta và có sức mạnh trong việc chống viêm nhiễm từ hoạt chất allicin trong tỏi. Nếu bạn có thể, hãy nấu nhiều tỏi trong thức ăn hơn. Tỏi có thể ăn ở dạng sống (trong nước chấm, sốt trộn salad…), dạng khô (tỏi đen), dạng dầu (viên nang tỏi). Tuy nhiên viên nang tỏi có nồng độ cao và có nguy cơ gây ngộ độc. Vì vậy cách tốt nhất để ăn tỏi là ăn sống hoặc khô. Nhớ là trước khi ăn tỏi cần băm, đập, nghiền để giúp giải phóng nhiều hoạt chất allicin hơn.
5 – Gừng
Khi nào khó chịu hoặc cảm lạnh, chúng ta đều cảm thấy cần uống/ăn gừng. Đó là do gừng có thể kháng viêm như viêm họng và các bệnh viêm nhiễm khác, đồng thời giúp tăng cường tiêu hoá và chống đầy bụng. Bạn có thể ăn gừng theo cách và liều lượng như sau đây: 1 thìa caphe gừng bào tươi, ngâm trong nước nóng (đủ uống 4 cốc), hoặc xay cùng sinh tố; 2 miếng mứt gừng; 1 viên tinh chất gừng (1g tinh chất).
6 – Cải bó xôi, rau muống, cải xoăn…
Các loại cải rau màu xanh đậm như cải bó xôi, cải ngồng, rau muống, cải xoăn… đều rất giàu Vitamin C và các loại chất chống oxy hoá như beta carotene cần thiết cho sức đề kháng và giúp chống viêm nhiễm. Các loại rau này tốt nhất hãy chế biến tối thiểu hoặc ăn sống nếu có thể để bảo tồn dinh dưỡng, như hấp hoặc xào tái ít nước. Nếu nấu canh thì không đun lâu để bốc hơi mất chất, và uống hết nước canh để hấp thụ vitamin đã tan vào nước.
7 – Sữa chua
Sữa chua có men sống đều có thể kích hoạt sức đề kháng từ trong hệ ruột – nơi phụ trách đến 70% hệ miễn dịch của chúng ta! Hãy ăn sữa chua không đường để tránh ăn đường không cần thiết, và làm ngọt tự nhiên bằng hoa quả như nam việt quất, dâu tây, chuối hoặc một chút mật ong. Trong sản phẩm từ sữa cũng có Vitamin D, rất cần cho hệ miễn dịch.
8 – Hạnh nhân
Hạnh nhân rất giàu Vitamin E – một vitamin đóng vai trò quan trọng trong một hệ miễn dịch khoẻ mạnh. Do Vitamin E là một loại Vitamin chỉ hấp thụ được trong môi trường dầu, nên việc ăn hạnh nhân vừa giàu Vitamin E vừa nhiều chất béo lành mạnh (giống quả bơ) là cách để hấp thụ Vitamin E một cách tối ưu. Mỗi lần có thể ăn đến 10 hạt, và với khoảng 46 hạt hạnh nhân, bạn đã ăn đủ Vitamin E cần thiết cho một ngày. Tuy nhiên bạn không cần phải ăn nhiều như thế do hạnh nhân cũng giàu năng lượng. hãy ăn vài lần trong ngày khi đói, mỗi lần 6-10 hạt là được nhé!
9 – Nghệ
Màu nghệ vàng tươi là nhờ hoạt chất curcumin, có khả năng kháng viêm mạnh và tăng chất chống oxy hoá trong cơ thể, và còn có thể cải thiện trầm cảm và đau khớp. Để hấp thụ nghệ hoặc curcumin một cách tối đa, hãy ăn phối hợp cùng hạt tiêu. Bạn có thể pha bột nghệ và tiêu vào sữa bò hoặc sữa hạt nóng để thưởng thức món “sữa vàng” rất lành mạnh và thơm này!
10 – Thịt gà
Không phải tự nhiên mà khi ốm chúng ta thường được khuyên ăn phở gà hoặc súp gà. Trong súp gà sẽ có những gelatin, Vitamin B6 và các dinh dưỡng khác tốt cho sức đề kháng, giúp cơ thể phòng ốm hoặc cải thiện triệu chững cảm lạnh. Chỉ cần 80g thịt gà đã có đến 40-50% hàm lượng Vitamin B6 cần thiết trong ngày!