Hôm nay, Kitchen Art xin được giới thiệu 6 loại dao cơ bản bạn nên có trong bếp của mình.
Dao là một trong những dụng cụ thiết yếu và phong phú nhất về kiểu dáng, tính năng trong bếp. Chính vì vậy, việc lựa chọn được một con dao tốt luôn là vấn đề được nhiều quan tâm. Một con dao tốt phải được mài sắc qua rất nhiều bước, kích cỡ lưỡi dao và tay cầm phải phù hợp với người sử dụng, giúp chúng ta dễ dàng thực hiện các thao tác cắt/thái/băm nhỏ.
1. Dao rau củ
Dao rau củ thường là những có lưỡi nhỏ, dài khoảng 7,5 – 10cm, tỉ lệ lưỡi dao và chuôi dao cân xứng, tạo cảm giác cân bằng cho người dùng khi sử dụng.
Dao rau củ thường được sử dụng để thực hiện các thao tác lột vỏ, bỏ lõi (táo, lê…), thái rau, các loại lá thơm, gọt hoa quả… Bên cạnh đó, nhiều người còn sử dụng loại dao này để kiểm tra độ chín của rau. Nhờ đầu mũi dao nhọn, dao rau củ sẽ là trợ thủ đắc lực giúp bạn “tỉa tót” các loại nguyên liệu, phục vụ cho phần trình bày.
Với việc sử dụng được vào nhiều mục đích khác nhau, dao rau củ luôn nằm trong danh sách các loại dao được yêu thích nhất, cần phải có trong bếp của mỗi gia đình.
2. Dao đa năng (Utility knife)
Được coi là một phiên bản cải tiến của dao rau củ, loại dạo này có lưỡi dài hơn “người anh em của mình”, khoảng 11,5 – 20cm.
Đúng với tên gọi của mình, bạn có thể sử dụng dao vào rất nhiều công việc khác nhau. Một số loại dao đa năng còn được sản xuất với lưỡi răng cưa, giúp chúng đặc biệt hữu dụng trong việc cắt bánh mỳ, vỏ xúc xích, pho mát cứng hoặc nguyên liệu có cấu trúc phức tạp như cà chua chín.
3. Dao lọc xương
Có độ dài tương đương dao đa năng (13 – 18cm) nhưng dao lọc xương lại có hình dáng khá đặc biệt: lưỡi dao nhỏ, được thiết kế cong để dễ dàng lóc thịt quanh xương.
Đây chính là một trong những loại dao bạn nên có trong bếp, đáng “đồng tiền bát gạo” thay vì mua các loại thịt được lọc xương sẵn bên ngoài. Nếu hay sử dụng các loại thịt đỏ trong nấu ăn, bạn nên tìm những loại dao lọc xương có lưỡi cứng cáp, hoặc một con dao với lưỡi mềm hơn khi xử lý các loại gia cầm. Thậm chí, dao lọc xương gia cầm còn có tác dụng thay thế dao lạng thịt, cá (Fillet Knife).
4. Dao làm bếp
Dao làm bếp thường rất dễ nhận diện nhờ lưỡi dao bản to, mỏng. Ngoài cái tên “dao làm bếp” phổ thông, loại dao này còn được gọi là “dao làm bếp kiểu Pháp”, hoặc “dao đầu bếp” khi được dùng dể xử lý rất nhiều loại thực phẩm. Sở dĩ, cái tên “dao đầu bếp” ra đời khi đây là loại dao được rất nhiều bếp trưởng tin dùng, trở thành dụng cụ không thể thiếu trong công việc mỗi ngày của họ. Dao làm bếp dần trở thành “nhân vật” không thể thiếu trên con đường chinh phục lĩnh vực ẩm thực của nhiều người.
Dao làm bếp thường dài từ 10 – 30cm; trong đó loại 20cm là phổ biến hơn cả. Lưỡi dao dài, được thiết kế với đường cao nhẹ phía cuối lưỡi, được gắn cẩn thận vào cán sẽ giúp người sử dụng dễ dàng thực hiện thao tác cắt, thái, băm dễ dàng.
5. Dao lưỡi răng cưa
Lưỡi loại dao này thường khá dài (từ 19 – 30cm). Với thiết kế lưỡi dao đặc biệt, bạn có thể dễ dàng xử lý các loại bánh mỳ cứng mà không làm hỏng kết cấu bánh bên trong hay vỡ vụn. Một số bếp trưởng còn thích sử dụng loại dao này để cắt chocolate hay cắt lát cà chua các loại hoa quả họ cam.
6. Dụng cụ mài dao
Mặc dù không phải là một loại dao nhưng dụng cụ mài đóng vai trò quan trọng trong bộ dao cơ bản nhà bạn. Cho dù bạn đang sở hữu một bộ dao tốt nhưng việc có dụng cụ mài dao trong nhà sẽ đảm bảo cho bộ dao đó luôn phát huy được hết khả năng của mình. Có nhiều loại mài dao khác nhau nhưng bạn nên chọn loại có chất liệu không ảnh hưởng đến chất thép của dao, giúp dao luôn bền đẹp.
Hình ảnh được chụp tại Kitchen Art Studio
Mọi sản phẩm trong bài viết hiện đều có mặt tại Kitchen Art Store (số 38 ngõ 27 Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội)
Bài viết có tham khảo từ cookbook Williams – Sonoma “Tools & Technique”